Chuyện xảy ra chưa lâu, trong lần chúng tôi về xã Chiềng Công, huyện Mường La (Sơn La) để thực hiện công việc khắc phục sự cố, di chuyển trạm biến áp bị sạt lở do mưa, bão. Đó là bản vùng cao cách trung tâm thị trấn Mường La 40km, địa hình giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là người dân tộc Mông sinh sống.
Theo kế hoạch ngày hôm sau nhóm công tác sẽ thực hiện nội dung công việc di chuyển trạm biến áp tại xã này. Công đoạn chuẩn bị đã được nhóm tổ chức thực hiện từ ngày hôm trước, nhưng có một việc mà cả nhóm đưa ra thảo luận mà vẫn chưa có câu trả lời, các thành viên trong nhóm cũng lo lắng, tất cả các phương án đưa ra để di chuyển một máy biến áp có trọng lượng 1.000kg tại địa hình có độ dốc khoảng 300, đá nhấp nhô, song nhân lực chỉ có 09 người, điều kiện như vậy để di chuyển thủ công xuống đường giao thông liên bản là một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Từ cái khó ló cái khôn chúng tôi thống nhất liên lạc với chính quyền địa phương nhờ lực lượng nhân dân giúp đỡ.
5 giờ sáng ngày hôm sau chúng tôi thực hiện công việc theo kế hoạch với phương tiện, dụng cụ thi công, dụng cụ an toàn và bảo hộ lao động cá nhân. Cung đường từ Điện lực đến xã phải đi qua Sông Đà, đến địa điểm công tác khoảng chừng hơn hai tiếng đồng hồ, tới nơi trời đã hửng nắng hòa quyện vời sương mù đặc trưng của vùng cao Chiềng Công. Chúng tôi không khỏi bất ngờ thấy nhân dân tập trung đông như một ngày hội. Đón chúng tôi là các anh lãnh đạo xã cùng nhân dân. Những cái bắt tay thật chặt, những lời nói, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười của lãnh đạo xã và bà con nơi đây thể hiện tình cảm thắm thiết, gắn bó nơi vùng cao.

Công nhân Điện lực Mường La và bà con nhân dân xã Chiềng Công hỗ trợ di chuyển MBA
Trao đổi với chúng tôi, Ông Vàng A Chu, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Công nói: Được biết hôm nay các cán bộ thợ điện lên đây để khắc phục bão lũ, cấp điện ổn định cho bà con nhân dân sinh hoạt và sản xuất. Bà con nhân dân rất vui, phấn khởi lắm, các anh cũng nhìn thấy đó, khi nghe thông báo của chính quyền thì tất cả 180 hộ dân của 02 bản (Bản Đin Lanh và Bản Co Sủ) ít nhất mỗi gia đình 01 người, thậm chí có những gia đình tất cả các thành viên có rất nhiều thế hệ từ trẻ em đến người già tập trung từ sáng sớm để góp sức di chuyển máy biến áp từ trên sườn đồi xuống. Chúng tôi biết các anh thợ điện bất kể ngày hay đêm, nắng cũng như mưa, cả khi gió giông tố mịt mùng, các anh vẫn luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận lệnh. Chỉ cần chuông điện thoại réo lên báo mất điện là các anh lại nhanh chóng lên đường, vượt mọi khó khăn, khắc phục sự cố một cách nhanh nhất để nối thông dòng điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân…
Anh Lê Văn Giáp, Công nhân Đội quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp, Điện lực Mường La nói với anh Chu: Anh nhìn thấy đó những người thợ điện ai cũng có khuôn mặt rám nắng, đôi bàn tay chai sần, từng dòng mồ hôi lăn dài trên má vì công việc và những bộ quần áo cam, áo ghi bạc màu theo thời gian, tất cả những hình ảnh đó cũng chỉ bởi một lẽ rất giản đơn là vì sự an toàn, thông suốt và bình yên của dòng điện. Gian nan, vất vả là vậy nhưng rất đỗi tự hào. Bởi mỗi khi xử lý xong sự cố, những tiếng hò reo phát ra từ mọi nhà "a....có điện rồi, có điện rồi" lại làm cho chúng tôi thấy ấm lòng.
Chứng kiến cuộc trao đổi ngắn nhưng thể hiện chan chứa tình cảm, thấy sự thấu hiểu của nhân dân với những người thợ điện ngày càng được nhân lên trong thời gian chúng tôi thực hiện nhiệm vụ nơi đây. Chúng tôi làm thủ tục và giao nhận lưới theo đúng quy trình an toàn điện. Bắt đầu tiến hành công việc tháo các cấu kiện, tháo máy biến áp để di chuyển, mỗi cấu kiện khi tháo ra, bà con nhân dân không ai bảo ai từ người già đến trẻ tự chọn cho mình một cấu kiện phù hợp để vận chuyển. Các thanh niên khỏe hơn, cùng công nhân Điện lực buộc hai cây gỗ dài vào hai bên sườn của máy biến áp để khiêng máy biến áp từ trên đồi xuống, chuyển về vị trí lắp đặt mới.
Anh Giáp chia sẻ thêm: Cảm nhận của chúng tôi về bà con, nhân dân ở đây chỉ có thể nói là: "Nhiệt tình, chân thành và trách nhiệm". Mệt nhọc là vậy nhưng được người dân giúp đỡ thì ai cũng thấy cảm động và yêu nghề hơn.
Một ngày làm việc nơi xã vùng cao dường như như trôi nhanh hơn. Câu chuyện giữa những người thợ điện với nhân dân nơi đây tưởng chừng không có hồi kết nhưng công việc đã xong, cấp điện trở lại an toàn cho nhân dân, thời gian nán lại nơi đây không còn. Tạm biệt nhân dân Chiềng Công, chúng tôi lưu luyến, trân trọng hình ảnh của người dân nơi đây.
Hình ảnh đó khiến tôi nhớ tới lời Bác căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Chuyện kể lại tuy chỉ là một trong số công việc mà người thợ điện đã, đang làm đều gắn bó mật thiết đến nhân dân và luôn nhận được sự hỗ trợ, đồng lòng của nhân dân.
Nhật Lung