Ở thời đại nào cũng vậy, vai trò của người phụ nữ rất quan trọng đặc biệt là vai trò giữ lửa để có một gia đình yên ấm hạnh phúc.
Thiên chức và xã hội đã trao cho ngườiphụ nữ phần việc lớn hơn nam giới trong gia đình, đó là việc sinh nở con cái để duy trì nòi giống cho tương lai, rồi nội trợ lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ trong nhà. Người ta vẫn thường nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” Câu nói này luôn luôn đúng và vai trò của những người phụ nữ Việt Nam cũng luôn được khẳng định trong mọi thời đại, dù theo thời gian, những chuẩn mực của người phụ nữ có thay đổi thì họ vẫn là “người giữ lửa trong gia đình”, vẫn là người có tác động tới từng thành viên trong gia đình.
Ảnh minh họa: Anh Nguyễn Duy Cường đưa con tới trường
Với những người phụ nữ là vợ của những người thợ điện Sơn La (dù họ là những người vợ trong hay ngoài ngành), thì họ luôn được xem là những người phụ nữ thiệt thòi hơn cả trong việc quán xuyến việc nhà, bởi những ông chồng thường xuyên vắng nhà do đặc thù công việc. Ngày này nối tiếp ngày sau, nhiều khi cũng không tránh khỏi những phút giây chạnh lòng khi mình là người phụ nữ mà không thể cùng chồng con ăn chung một bữa cơm đầy đủ các thành viên trong gia đình:
Chị Bùi Thị Thụy vợ anh Nguyễn Anh Thắng - Công nhân Điện lực Quỳnh Nhai chia sẻ: Tôi với anh Thắng đã xây dựng với nhau đến nay đã 18 năm rồi. Thực sự 18 năm trải qua rất là nhiều thăng trầm của cuộc sống, đặc biệt là lấy chồng làm thợ điện, với tôi cũng như tất cả là ai cũng thế thôi cũng mong muốn chồng mình có một công việc nhàn hạ, thoải mái và chăm lo được cho cuộc sống gia đình cũng như các gia đình khác. Nhưng với chúng tôi chấp nhận làm vợ của người thợ điện thì chấp nhận sự thiệt thòi rất là nhiều, đặc biệt là những bữa cơm vắng chồng…. có được ăn ở nhà thường là muộn, có lúc 2,3 giờ sáng mới được ăn.
Sự thiệt thòi và lo lắng của những người vợ lấy chồng đang công tác trong ngành điện cũng phải thôi, khi những đức lang quân của họ, không ít ngày phải đi cơ sở trong những điều kiện làm việc như: lênh đênh trên sông nước, vượt đèo lội suối cả ngày lẫn đêm suốt cả 4 mùa và không có ngày nghỉ lễ, tết như một số ngành nghề khác. Họ phải gác bỏ việc riêng tư, tạm quên tổ ấm gia đình để hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ người dân được một niềm vui trọn vẹn.
Chị Bùi Thị Thụy chia sẻ: Cơ quan gọi có sự cố là vùng dậy đi, những hôm đêm mưa gió rét như vậy, các anh đều lao ra đường làm nhiệm vụ chúng tôi chỉ lo những hôm mưa to ra đường mang điện thoại nhỡ sét đánh thì sao, đi đường trơn trượt lấm bùn… những người không trong hoàn cảnh như vậy thì không chia sẻ được đâu.
Còn với những người vợ cùng công tác với chồng tại các đơn vị điện lực, thì cũng phần nào chia sẻ, cảm thông và cùng nhau gánh vác công việc và giải quyết được phần nào những khó khăn trong cuộc sống với công việc hàng ngày.
Chị Phạm Thị Thảo- Công nhân Điện lực Mộc Châu chia sẻ: Vì 2 vợ chồng cùng ngành có những thuận lợi và khó khăn nhất định, mình hiểu được tính chất công việc thì cũng có sự cảm thông chia sẻ nhất định của chồng về chăm sóc gia đình, đưa đón con, cơm nước khi vợ đi làm. Hoặc khi có việc phải đi làm ngay. Hơn nữa gia đình ở 2 quê, không có sự chia sẻ nên 2 vợ chồng phải khắc phục khó khăn trong cuộc sống.
Người phụ nữ trước hết phải có vai trò là người biết tổ chức gia đình. Với những người vợ hiện đại không phải là những người nội trợ bình thường mà chính là nội tướng trong gia đình. Để chu toàn công việc gia đình và công tác xã hội. Do đó, ở nhiều gia đình có người thân làm việc trong ngành điện, luôn luôn phải có sự thảo luận giữa hai vợ chồng, từ việc đưa con đi học, hay chuyện bếp núc … đều phải “thuận vợ, thuận chồng” để không xảy ra những mối bất hòa, không hiểu ý, ỷ lại, người nọ trông chờ người kia có thể dẫn đến cãi nhau, làm hỏng việc của cả nhà… Và quan trọng hơn cả là trong mỗi tổ ấm gia đình đó, cần có sự hỗ trợ, chia sẻ, gánh vác việc nhà của những người chồng (nhất là khi cả hai vợ chồng cùng công tác ở một đơn vị).
Anh Nguyễn Văn Ngọc - Công nhân Điện lực Mộc Châu: Vợ em cùng nghề, cùng ngành thường xuyên đi sớm về muộn, nên 2 vợ chồng phải bố trí thời gian hợp lý. Khi vợ đi vắng trưa thì tranh thủ nấu cơm cho con, sáng sớm đưa con đến lớp, chiều tối đón, tắm giặt cho con. Mỗi người gánh vác một tý thì công việc sẽ suôn sẻ thôi.
Có thể khẳng định rằng: Dù ở công việc nào, sống ở đâu hay địa vị ra sao, thì người phụ nữ luôn là người giữ lửa, nếu ngọn lửa đó được gìn giữ cẩn thận thì ánh sáng sẽ đem lại sự ấm áp trong những ngày đông, sự mát dịu trong những ngày hè oi bức.
Khi chứng kiến cuộc sống ấm êm của những tổ ấm của những gia đình người thợ điện ở Sơn La, chúng tôi nghĩ rằng: Không một ai trong chúng ta không cảm thán về vẻ đẹp của người phụ nữ trong gia đình, sự thuần khiết và cao quý về đức hạnh của tâm hồn người phụ nữ Việt Nam.
Chị Bùi Thị Thụy tâm sự: Không thể so sánh với các bạn ở dưới xuôi hay đồng bằng, cũng là đồng nghiệp đấy nhưng cuộc sống của họ có lẽ không vất vả như những người công nhân ở vùng miền núi. Những người vợ như chúng tôi mới cảm nhận được những vất vả của chồng con mình. Chúng tôi cũng mong muốn công việc của các anh ấy đỡ vất vả để chúng tôi yên tâm hơn. Còn chúng tôi ở hậu phương dù có khó khăn đến mấy cũng chia sẻ và tạo điều kiện cho chồng mình hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Qua từng câu chuyện của những gia đình người thợ điện, chúng tôi mạn phép không dùng thước đo nào để so sánh, nhưng thực tế rằng: Cuộc sống sẽ chẳng có gia đình nào giống gia đình nào cả. Song để mỗi tổ ấm ngày càng được đơm đầy. Mỗi gia đình phải tự mình xác định “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”, để từ đó mỗi gia đình tự sắp có nề nếp riêng, cách sống riêng phù hợp với từng hoàn cảnh và nhóm lên ngọn lửa ấm gia đình và ngọn lửa ấm gia đình ấy, không phải một sớm một chiều mà có:
Chị Phạm Thị Thảo tâm sự: Nói thật có lúc cũng không tránh được có thể do áp lực công việc, con cái ốm đau, về vợ chồng có thể không hiểu nhau, nhưng sau 2 vợ chồng ngồi cùng nhau để chia sẻ để ngày càng hiểu nhau hơn …. Đến bây giờ cuộc sống 15 năm đã hiểu nhau và cuộc sống êm đềm hơn.
Ngọn lửa ấm ấy, một người thôi thì không đủ. Chỉ một hay hai người gìn giữ thôi, còn những người khác thì buông lơi, thích làm gì cũng được, thì đâu có đúng là gia đình hạnh phúc. Sự lửa ấy phải được sự nâng niu của tất cả thành viên, giống như những viên gạch vuông vức, đủ lửa để xây dựng nên những ngôi nhà đẹp và vững trãi.
Chị Lã thị Thu Hà Vợ anh Nguyễn Duy Cường - Công nhân Điện lực Yên Châu chia sẻ: Là một giáo viên thường xuyên công tác xa nhà, chồng làm ở điện lực công việc rất bận rộn nên chúng tôi luôn có sự chia sẻ trao đổi với nhau trong công việc, cũng như nuôi dạy con cái, tôi luôn tin tưởng và động viên chồng tôi hoàn thành tốt công việc được giao.
Ngọn lửa gia đình, ngọn lửa trong tâm thức của mỗi thành viên. Dù cuộc sống có thay đổi, lối sống thành thị, ở môi trường nào. Ngọn lửa sáng của mỗi gia đình, chúng ta phải gìn giữ nó và nhân lên sự lan tỏa ngày càng nhiều hơn trong đời sống xã hội hôm nay./.
Hữu Ngân, Ngọc Diệp