Thứ sáu 06-12-2024

  ĐẶT LÀM TRANG CHỦ

Chuyển đổi số trong EVN và NPC
Điện mặt trời áp mái
Văn bản pháp quy
Liên kết Website
DỰ BÁO THỜI TIẾT
Số người đang online
800
Tổng số lượt truy cập
27847423
   
 

Chuyển đổi số
Chủ tịch EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh: Xoay chuyển để nâng chất cho điện
Những nỗ lực cụ thể của nữ Chủ tịch để đưa EVNNPC trở thành “doanh nghiệp số” vào năm 2025 và “phẳng hóa” mọi giới hạn đang mang đến nhiều trái ngọt.

Số hóa và công nghệ để nâng tầm

Năm 2023, dù phải trải qua nhiều thách thức trong cấp điện ở những giai đoạn thời tiết cực đoan, nắng nóng, nhưng tăng trưởng tiêu thụ điện thương phẩm của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) vẫn đạt 4,42%; tiếp tục là đơn vị có sản lượng điện thương phẩm lớn nhất trong 5 tổng công ty phân phối điện.

Điều đáng nói nhất là, dù có địa hình phức tạp, trải dài và rộng lớn, nhưng số vụ sự cố lưới điện 110 kV trên địa bàn EVNNPC quản lý năm qua giảm tới 29 vụ so với năm 2022, chỉ còn 103 vụ. Nếu so với kế hoạch mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao, thì giảm tới 249 vụ.

Trên lưới điện trung và hạ áp, số vụ sự cố cũng giảm tới 773 vụ so với kế hoạch được giao cho năm 2023 và nếu so với năm 2022 trước đó, thì giảm 21,49%.

Chỉ số tiếp cận điện năng được thể hiện qua việc cấp điện cho 2.345 khách hàng trung áp trong năm 2023 chỉ còn 3,52 ngày/khách hàng, giảm tới 3,48 ngày so với quy định của EVN. Trước đó, năm 2018, chỉ số này là 5,81 ngày.

Bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVNNPC cho hay, kết quả này không phải “một sớm một chiều” là có được, mà phải thực hiện căn cơ, bài bản với quan điểm phòng ngừa và từ sớm, từ xa.

“Chúng tôi chấp nhận phơi rõ thực trạng hệ thống để đánh giá đâu là điểm nghẽn, từ đó đưa ra giải pháp quản trị sự cố cho các điểm chính yếu này. Nhờ vậy, đã thu được những kết quả rất đáng ghi nhận trong nâng cao chất lượng cấp điện”, bà Ánh chia sẻ.

Trong số các giải pháp kỹ thuật được triển khai năm qua, có những chương trình như “đa chia - đa nối” giúp cô lập sự cố “nhanh như điện” khi được phát hiện với số lượng khách hàng bị ảnh hưởng ở mức thấp nhất có thể. Rồi tính toán chuẩn bị hậu cần, vật tư phục vụ sửa chữa, nhân lực, phát hiện và xử lý sự cố chi tiết nhất có thể, nhất là đa phần sự cố của hệ thống điện đều đòi hỏi thao tác tại hiện trường, bất chấp điều kiện đi lại hay thời tiết cũng như phải giải quyết nhanh nhất để người dân sớm có điện trở lại, đảm bảo cuộc sống bình thường.

Hiện mục tiêu được người đứng đầu EVNNPC đặt ra để tiếp tục nâng cao chất lượng cấp điện là mỗi năm có 10% lưới điện trung hạ áp được tự động hóa và tới năm 2045 sẽ tự động hóa hoàn toàn lưới điện tại khu vực.

Chủ tịch của EVNNPC cho hay, tự động hóa đòi hỏi phải đầu tư thêm các thiết bị kỹ thuật, đóng cắt tự động…, nhưng qua đó có thể đánh giá được rõ ràng thực trạng và chỉ ra được những điểm nghẽn. Mỗi năm, khoản tiền đầu tư cho tự động hóa của EVNNPC chỉ khoảng 200 - 300 tỷ đồng, nhưng đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

So sánh mức độ tự động hoá trong 5 tổng công ty phân phối điện, EVNNPC chỉ đứng sau Tổng công ty Điện lực TP.HCM. Tuy nhiên, TP.HCM có sự tập trung cao độ về khu vực quản lý và địa hình thuận lợi, bằng phẳng, trình độ dân trí của khách hàng nhìn chung cao hơn. Còn EVNNPC đang quản lý cấp điện tại 27 tỉnh, thành phố phía Bắc (trừ Hà Nội) với diện tích lớn gấp nhiều lần, địa hình phức tạp, không bằng phẳng, tới 70-80% là địa bàn nông thôn, miền núi, đi lại mất thời gian và vất vả.

Cộng thêm khó khăn là việc quản lý tài sản không thuận lợi do nguồn gốc “phức tạp”, có loại được đầu tư từ thời Liên Xô cũ, nhận bàn giao của tư nhân, hợp tác xã, có cả loại tài sản “Nhà nước và nhân dân cùng làm”… Với tình trạng tài sản như vậy, để đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật và tương thích nhau trong quá trình vận hành đã vất vả, chứ chưa nói tới  các nỗ lực cải tiến để đạt những mốc cao hơn về số hóa và tự động hóa.

Thách thức trong điều hành EVNNPC  - doanh nghiệp thuộc Top 10 Việt Nam với quy mô hơn 26.000 nhân viên, đang hoạt động trong lĩnh vực có đặc thù riêng, kỹ thuật phức tạp là điện - mà thường là nam giới đứng đầu tổ chức - cũng không làm khó nữ Chủ tịch.

Mặc dù ban đầu được đào tạo về ngành ngôn ngữ và văn học Nga, nhưng để nâng cao trình độ trong lĩnh vực kinh doanh, kỹ năng quản lý chuyên ngành điện, bà Đỗ Nguyệt Ánh đã đăng ký học thêm ngành hệ thống điện, quản trị kinh doanh quốc tế và ngoại ngữ tiếng Anh.

Những nhận định rõ nét về thực trạng hệ thống điện mà đơn vị quản lý, xác định rõ các điểm nghẽn của doanh nghiệp và nhanh chóng đưa ra các giải pháp quyết liệt trong quá trình điều hành và lãnh đạo EVNNPC kể từ năm 2019 với cương vị Tổng giám đốc và sau đó là Chủ tịch HĐTV như hiện tại, khiến doanh nghiệp chuyển mình, thay đổi mạnh về chất đã cho thấy bản lĩnh người đứng đầu.

“Phẳng hóa” giới hạn

Năm 2023, ngành điện miền Bắc đã chứng kiến những tháng ngày nóng bỏng vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6, điện thiếu khắp nơi. Năm nay, tình hình có thể tiếp tục căng thẳng khi nguồn cung điện mới có quy mô lớn còn thưa vắng, các giải pháp cho giai đoạn tới phần lớn vẫn dừng lại ở kế hoạch, trong khi nhu cầu điện tại nhiều tỉnh tăng mạnh.

Đơn cử, tại Nghệ An, với tổng  vốn FDI thu hút năm 2023 lên tới 1,6 tỷ USD, bằng 30% số vốn thu hút được trong 27 năm qua (4,9 tỷ USD), đẩy vốn giải ngân trong năm 2024 tăng cao. Ước tính, công suất dùng điện của Nghệ An trong năm 2024 có thể lên tới 1.670 MW, tăng gần gấp đôi so với mức 970 MW của năm cao nhất trong giai đoạn trước của tỉnh này.

Không chỉ ở Nghệ An, nhu cầu điện tăng mạnh cũng được dự báo ở Thanh Hóa, Bắc Giang, Phú Thọ Quảng Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc… Cùng với đó là lo ngại thiếu điện. Bà Ánh kể, có địa phương, như Quảng Ninh đã phản ánh với cấp trên rằng “đất thì có sẵn, nhưng không có điện thì nhà đầu tư vẫn không dám vào”.

Bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVNNPC được trao tặng danh hiệu Nữ Doanh nhân ASEAN tiêu biểu năm 2023 không chỉ bởi quá trình 28 năm cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của ngành điện, mà còn bởi những nỗ lực, tâm huyết của bà cho sự phát triển bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.

Là một doanh nghiệp công nghiệp, thường xuyên tiếp xúc với nguồn nguy hiểm cao độ, hiện tại, tỷ lệ lao động nữ trong EVNNPC chiếm tới 27,5% - cao nhất trong EVN.

Đối mặt với những thách thức trên, EVNNPC cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải liên tục tính toán, xoay xở để đảm bảo cấp điện liên tục.

Ban lãnh đạo EVNNPC đưa ra hàng loạt giải pháp và kiến nghị rất cụ thể, rõ ràng nhằm khắc phục thách thức về cấp điện. Tuy nhiên, có những vấn đề doanh nghiệp không thể xử lý được, cần phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước.

Ở một khía cạnh khác, do là ngành có nhiều thao tác ở hiện trường, nên chuyện đảm bảo nguồn nhân lực có chuyên môn, trình độ, gắn bó với nghề cũng được lãnh đạo EVNNPC rất quan tâm.

Bà Ánh tâm sự, trong 2 năm gần đây, do khủng hoảng năng lượng trên thế giới, chi phí đầu vào tăng mạnh, đầu ra đứng yên hoặc tăng không kịp, nên EVN bị lỗ lớn. Các tổng công ty phân phối như EVNNPC cũng bị ảnh hưởng theo. Có giai đoạn, doanh nghiệp không cân đối được tài chính, anh em chỉ được hưởng mức lương, tạm ứng bằng 60% của năm 2021. Không ít người đã đi tìm công việc khác, tìm kiếm thu nhập tốt hơn.

Dù số nhân viên dời đi chưa gây nên đột biến về lao động, lãnh đạo EVNNPC cùng các đơn vị điện lực liên tục sát cánh, động viên, chia sẻ và có các giải pháp để giữ chân người lao động, nhưng đây cũng là tín hiệu cần chú ý trong tổng thể các giải pháp nhằm đảm bảo lo điện thông suốt, liên tục.

Thực tế này đã cho thấy, con đường số hóa, tự động hóa, đưa công nghệ vào quản trị mà người đứng đầu EVNNPC kiên quyết theo đuổi những năm gần đây là lựa chọn không thể khác để nâng chất và nâng hiệu quả cho chính mình.

Còn nhớ, vào đầu năm 2021, bà Ánh (khi đó đang ở vị trí Tổng giám đốc) đã thẳng thắn chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư rằng, chuyển đổi số là bắt buộc, dù các đơn vị khác khó 1, thì EVNNPC khó 10, nhưng vẫn phải triển khai.

“Để nâng cao năng suất lao động của EVNNPC, thì không có cách gì khác ngoài chuyển đổi số, sử dụng công nghệ. Vì qua đó, mới tối ưu hóa các nguồn lực, giảm chi phí, thực hiện quản trị doanh nghiệp hiệu quả. Vì vậy chúng tôi quyết định làm và làm sớm”, bà Ánh nói.

Quyết tâm và sự lựa chọn đúng đắn đó đã mang lại trái ngọt.

Đơn cử,  nhờ số hóa quá trình ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện, EVNNPC đã giảm được 6.000 người trong khâu này, bố trí vào các công việc khác phù hợp hơn. Nhờ vậy, dù tài sản của EVNNPC tăng gấp đôi, gấp ba so với 10 năm trước, nhưng số lượng nhân viên lại giảm 2.000 người.

Mục tiêu hiện nay mà EVNNPC hướng tới là phấn đấu trở thành doanh nghiệp có năng suất lao động tương đương với các nước trong khu vực và độ hài lòng khách hàng đạt điểm giỏi.

Đi cùng với đó là những nỗ lực cụ thể để trở thành “doanh nghiệp số” vào năm 2025, giúp “phẳng hóa” giới hạn về không gian, vị trí địa lý giữa các phòng, ban, đơn vị, các địa phương, vùng miền, đảm bảo tính công khai, minh bạch, sự giám sát của các cấp quản lý, để nâng cao năng suất lao động, từ đó nâng thu nhập của người lao động lên.

Link gốc

Theo Báo Đầu tư

(15/02/2024 16:07)

Trở về

Lượt xem: 315

Các tin khác

PC Sơn La: Ứng dụng công nghệ cao vào Quản lý vận hành lưới điện cao thế (01/02/2024 08:49)
EVN NẰM TRONG TOP 3 BỘ, NGÀNH DẪN ĐẦU VỀ CHẤT LƯỢNG PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP TRÊN CỔNG DỊCH VỤ CÔNG QUỐC GIA NĂM 2023 (03/01/2024 08:15)
EVNNPC lấy khách hàng làm trung tâm của quá trình chuyển đổi số (21/12/2023 16:40)
EVNNPC nhận Giải thưởng Các giải pháp công nghệ số phần mềm quản lý máy biến áp tại lễ trao giải Thành phố thông minh Việt Nam 2023 (05/12/2023 09:25)
Nỗ lực chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh ở EVN (25/11/2023 23:09)
Chương trình “10 nghìn sáng kiến” hiện thực hóa Nghị quyết của EVN về chuyển đổi số (06/11/2023 10:29)
Amazon sẽ tham gia sâu hơn trong quá trình phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số ở Việt Nam (01/11/2023 17:07)
Xu thế - Thách thức - Giải pháp chuyển đổi số ngành Điện (16/10/2023 08:20)
Những kết quả ấn tượng từ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng ngành Điện (12/10/2023 09:55)
Dịch vụ điện thời công nghệ số (10/10/2023 22:37)
Chuyển đổi số tại EVN: Quyết liệt trong lãnh đạo, tạo chuyển biến về chất (10/10/2023 08:42)
Tổng công ty Điện lực miền Bắc khẳng định quyết tâm cao trong công tác chuyển đổi số (28/09/2023 14:43)
Khách hàng ngày càng "chuộng" thanh toán tiền điện online (12/09/2023 16:21)
Phát động cuộc thi tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Sơn La năm 2023 (01/08/2023 08:02)
Hơn 94% khách hàng của EVN thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt (11/07/2023 16:35)
  
CÔNG TY ĐIỆN LỰC SƠN LA
Số 160 - Đường 3/2 - Thành phố Sơn La 
Điện thoại: (+84) 212.2210.100 Fax: (+84) 212.3852.913

Giấy phép số: 04/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La cấp ngày 03/06/2021

Bản quyền thuộc về Công ty Điện lực Sơn La
Copy right 2010, all rights reserved.
Thông tin trích từ website này yêu cầu ghi rõ từ nguồn http://sonlapc.vn
E-Mail: sonlapc.webmaster@gmail.com